#22 - "Phái nữ làm Product Manager thì như thế nào?"
Tụi mình đang tuyển sinh batch tiếp theo cho khóa Breaking into PM, các bạn hãy đăng ký ở đây nhé!
Giới thiệu
Vào sáng hôm Chủ Nhật vừa rồi, team Breaking into PM đã góp mặt cùng với team TELOS Academy trong buổi thứ 6 của chuỗi workshop "Nghề trong người" nói về Product Management.
Trong phần Q&A thì một bạn nữ đã đặt ra một câu hỏi vô cùng hóc búa:
Phái nữ khi làm Product thì như thế nào?
Đằng sau đó là sự quan ngại về việc phái nữ khi đi làm công nghệ sẽ bị bất lợi hoặc ít được công nhận hơn. Mình chắc rằng cũng có nhiều bạn băn khoăn điều này khi đang mong muốn thử sức với Product Management
Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn một lời động viên thực tế dựa vào kiến thức, kinh nghiệm và quan sát của mình.
Interests in People & Objects
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng:
- Phái nam hứng thú với vật thể (objects) nhiều hơn phái nữ một chút.
- Phái nữ hứng thú với con người (people) nhiều hơn phái nam một chút.
(Lý do tại sao lại như vậy thì lại vẫn còn nhiều phỏng đoán và bàn luận)
Sự khác biệt này về mặt bằng chung mà nói là tương đối nhỏ, tức là nếu bạn lấy ngẫu nhiên một người nam và một người nữ, thì khả năng cao là hứng thú về objects và people của họ sẽ ngang nhau.
Vì dùng "vật thể" trong nhiều câu mình cảm thấy hơi gượng gạo, và xài từ "con người" cùng với "objects" trong một câu cũng hơi chuối, nên mình xin phép dùng objects và people xuyên suốt bài viết này
Khi tính chất công việc thiên vị cho interests in objects
Nếu bạn pick ra top 10% engineers trong một công ty bất kỳ, thì khả năng rất cao nhiều người sẽ là nam. Đó là do tính chất công việc engineering thiên vị những cá thể có khả năng quan tâm đến objects cao. Vì vậy họ tự nhiên dành nhiều thời gian để kết nối giữa các objects với nhau một cách mạch lạc có hệ thống.
Tính chất công việc như vậy làm các công ty promote/công nhận những bạn quan tâm đến objects nhiều hơn. Điều này có nghĩa là các bạn engineers quan tâm đến people thường bị lép vế, chỉ đơn giản vì các bạn sẽ không tự nhiên dành nhiều thời gian để suy nghĩ theo hướng đó.
Product Management không thiên vị như thế
Ngành Product có thể nói là một ngành hiếm hoi mà để xuất sắc bạn phải phát triển một dãy kỹ năng rất rộng, vì vậy nó không thiên vị cho những người có nhiều interests in objects, và cũng không thiên vị cho những người có nhiều interests in people.
Bằng chứng của việc đó là khi suy nghĩ về các top Product Leaders mà mình hâm mộ, có rất nhiều phái nữ, điển hình như:
- Melissa Perri - tác giả cuốn sách Escaping the build trap (mình có một bài viết về cuốn sách này ở đây nhé).
- Elena Verna - Head of Growth/Data at Dropbox.
- Clair Vo - CPO at LaunchDarkly và Founder của ChatPRD
- April Dunford - tác giả cuốn sách Obviously Awesome.
Để đi xa khi làm Product Management thì bạn phải quan tâm về cả objects và people ở mức độ cao ngang nhau. Không có một người PM nào xuất sắc mà chỉ giỏi về triển khai giải pháp. Cũng không có một người PM nào xuất sắc nào chỉ thấu hiểu người dùng. Một PM xuất sắc phải master được toàn bộ những kỹ năng mang tính chất nền tảng, và xuất sắc trong một vài khu vực.
Lợi thế cạnh tranh của phái nữ khi làm PMs
Theo kinh nghiệm của mình, việc thật sự quan tâm đến people hiếm khi có thể luyện tập được. Những kỹ năng phỏng vấn người dùng thì bạn hoàn toàn có thể học, nhưng chất lượng một cuộc đối thoại phụ thuộc khá nhiều vào việc bạn có hứng thú với người mà bạn đang nói chuyện hay không.
Sự quan tâm và hứng thú về người khác như một cá thể phức tạp với thế giới quan, cảm xúc và những hoàn cảnh sống đa dạng chủ yếu đến từ nội tại. Bạn không thể "fake" sự hứng thú được.
Mình có viết một bài nói về thấu cảm như là lợi thế cạnh tranh khi làm sản phẩm, và thấu cảm nó được xây dựng dựa trên sự quan tâm đến con người trong thời gian dài trong những ngữ cảnh khác nhau.
Điều đó hàm ý rằng phái nữ có một lợi thế cạnh tranh lớn trong ngành Product.
Ngoài thấu cảm ra, thì phái nữ cũng thường quan tâm đến khía cạnh thẩm mỹ nhiều, điều đó giúp cho sản phẩm của bạn hoàn thiện hơn trong mắt người dùng. Sự chú tâm đến các chi tiết trong sản phẩm, là một tính chất mình thường thấy ở các bạn nữ, cũng làm cho trải nghiệm người dùng được trọn vẹn và mượt mà hơn.
Nhưng chỉ vì bạn là nữ không có nghĩa là bạn phải định vị bản thân như trên. Hãy lựa chọn hình thái lợi thế cạnh tranh nào phù hợp nhất với nội tại của mình, và phát triển nó để có thể trở thành một người Product Manager xuất sắc.
Kết luận
Tóm lại, mình muốn nói rằng những bạn nữ có thiên hướng quan tâm đến people vẫn có lợi thế cạnh tranh và có khả năng đi rất xa với sự nghiệp Product Management.
Tuy nhiên làm sản phẩm cần nhiều hơn chỉ là hứng thú, các bạn cần rèn luyện các kỹ năng nền tảng để có thể thật sự đi xa. Phải nam hay phái nữ thì cũng chỉ khác biệt đôi chút về thiên hướng khi bắt đầu, việc trở thành một người làm Product giỏi phụ thuộc rất nhiều vào cách mà bạn vận dụng thế mạnh và cải thiện điểm yếu của mình.