#6 Lợi thế cạnh tranh cá nhân (phần 2) - thứ làm mình trăn trở đêm ngày
Làm sao viết về lợi thế cạnh tranh "cá nhân" nếu không có những câu chuyện "cá nhân" được? Bài viết này lại là một bài sẽ đi sâu vào những thứ như vậy.
Đây là chuỗi bài viết về cách mình đã xây dựng lợi thế cạnh tranh cá nhân, qua những câu chuyện đầy cũng đầy tính cá nhân. Bài viết phần trước: Lợi thế cạnh tranh cá nhân (phần 1) - thứ làm mình khó chịu vô cùng. Bài này mình sẽ viết về những thứ khiến cho mình trăn trở đêm ngày.
Trước khi vào bài viết, mình muốn gửi đến các bạn một bài hát của Josh Radnor mà mình nghe đi nghe lại nhiều lần gần đây.
Quay trở lại chủ đề chính. Phần trước mình có viết về việc tìm ra khát vọng của bản thân thông qua những thứ làm mình khó chịu nhất. Phần này mình muốn viết về những thứ làm mình trăn trở nhất.
Lại trở về khoảng thời gian trước khi mình quyết định chuyển sang Product Management, lúc đấy mình có đọc một cuốn sách tên là The Startup of You: Adapt, Take Risks, Grow Your Network, and Transform Your Career - nói về phát triển sự nghiệp, được viết bởi Reid Hoffman - nhà đồng sáng lập LinkedIn (và một ông khác).
Cụ thể hơn, tác giả khuyến khích chúng ta suy nghĩ về sự nghiệp của mình giống như một startup. Lúc ấy mình cũng đang làm việc ở một startup, vậy nên những thông điệp và bài học trong sách có thể nói là rất phù hợp với ngữ cảnh, chắc cũng chính vì vậy mà mình thẩm thấu được khá nhiều.
Khi làm startup, bạn phải đương đầu với rất nhiều sự bất định, sự không đủ thông tin, và sự thay đổi diễn ra một cách chóng mặt. Trong tình hình thế giới đang di chuyển với tốc độ bàn thờ tên lửa, việc phát triển sự nghiệp sẽ gặp những thử thách tương tự với một startup. Kỹ năng khởi nghiệp vì vậy trở nên hữu dụng, nếu không nói là tối quan trọng.
Cuốn sách The Startup of You đưa ra định nghĩa về lợi thế cạnh tranh như sau:
Lợi thế cạnh tranh của bạn là những tài sản (của bạn) mà giúp bạn điều hướng trong thị trường (của bạn) nhằm theo đuổi khát vọng (của bạn).
Đó là khởi nguyên của việc tại sao mình lại suy nghĩ đến khát vọng của bản thân.
Mình sẽ không viết về yếu tố thị trường, phần lớn là vì mình nghĩ nó không thú vị lắm, phần nhỏ cũng vì nó thuộc phạm trù mình không kiểm soát được, nên mình cũng không biết nói gì. Vì vậy, mình muốn viết về thứ mình có, thứ đã giúp mình theo đuổi khát vọng tạo ra sự đổi mới tốt hơn trong cuộc sống công việc của người khác.
Mình viết khá nhiều. Ngày nào mình cũng cố gắng viết một thứ gì đó: ghi chép những suy nghĩ, quan sát, trăn trở về những thứ mình gặp trong ngày. Đôi khi trong lúc vật lộn với những luồng tư duy đấy, mình lại vô tình ngã vào những insights mà mình cảm thấy cần chia sẻ. Những insights đó thường không quá dài, nên mình đăng lên nền tảng LinkedIn.
Bài “Why do some PMs without a solid foundation get leadership roles?” được viết khi mình chiêm nghiệm về trường hợp cụ thể mà mình đã gặp khi một người không có nền tảng xây dựng sản phẩm trở thành lãnh đạo. Đặc biệt hơn là nó xuất phát từ một nỗi bức xúc và trăn trở rằng tại sao việc đó xảy ra, để rồi ảnh hưởng đến công việc cuộc sống của bao nhiêu người. Đây là LinkedIn post có độ engagement cao nhất của mình.
Bài “Stop looking for "product sense" when evaluating candidates for junior product positions.” được viết khi một người bạn phỏng vấn vị trí Junior Product và bị từ chối sau khi phỏng vấn vì “product mindset” yếu. Mình cảm thấy những từ như “product mindset” hay “product sense” nó rất ô dù, nhưng lại được sử dụng một cách vô tội vạ. Sau đó mình nhớ lại rằng mình cũng thấy nhiều trường hợp tuyển dụng như vậy. Mình chợt trăn trở rằng có cách nào để đánh giá ứng cử viên cho vị trí Junior Product một cách công minh hơn hay không. Đây là bài LinkedIn post có độ impression cao nhất của mình, và engagement ngang bài trên.
Dường như có gì đó đặc biệt xảy ra khi mình viết về những thứ làm mình trăn trở. Không, đúng hơn là, dường có gì đó đặc biệt xảy ra khi mình trăn trở.
Để có một bức tranh rõ hơn, hãy vặn ngược kim đồng hồ để trở về hơn 10 năm trước.
Đó là cái ngày mà mình nhận kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 - mình đã trượt nguyện vọng một là trường chuyên Lê Hồng Phong. Hôm đấy mình đã khóc rất nhiều. Ba mẹ mình dù nghèo khó nhưng vẫn cố gắng cho con cái đi học đầy đủ. Họ luôn nói rằng phải học mới đổi đời được, với hy vọng rằng con của họ sẽ sống được cuộc sống mà họ đã không có. Nhưng đến khi mình bị đè bẹp bởi gánh nặng mang tên kỳ vọng, thì mình mới thật sự hiểu được trọng lượng đằng sau lời nói đó.
Nếu ví tâm thức của mình trước thời điểm ấy như một mặt hồ yên ả và trong suốt, thì sự kiện ấy như một tảng đá rơi thẳng xuống và tạo ra những ngọn sóng mãnh liệt lan tỏa va đập khắp thành hồ. Đó là lần đầu tiên mình cảm nhận được ý thức của mình lóe lên như một tia lửa, soi sáng những chi tiết trong cuộc sống mà trước kia mình chưa từng thấy. Mình chợt bừng tỉnh.
Mình thấy được mình đã ngạo mạn như thế nào, mình đã không nghiêm túc chuẩn bị ra sao, mình đã bỏ lỡ những gì trong kỳ thi tốt nghiệp đó, rộng hơn nữa là mình đã có những suy nghĩ sai lầm về cách mà thế giới hoạt động như thế nào … Hầu như tất cả những cách thức mình từng nghĩ thế giới hoạt động đều trở nên không đúng khi được soi sáng bởi ý thức. Có lẽ là vì trước đó mình không thật sự nghĩ gì cả.
Trước khi thế giới quan của mình được tái cấu trúc, nó phải bị phân rã. Những ý niệm được tạo ra từ sự vô tri mà không còn phù hợp với thực tế phải được đốt cháy đi, để các ý niệm đúng đắn có chỗ để nảy mầm và phát triển.
Một khu rừng không được chăm sóc theo thời gian sẽ có nhiều cây chết, nằm lăn lóc trên nền đất, che lấp đi những phần màu mỡ nơi những chồi cây non đáng lẽ được mọc lên. Khi nhiệt độ hay độ ẩm hay một yếu tố tự nhiên nào đó diễn ra mà bén lửa, đám cháy sẽ lây lan mất kiểm soát. Khu rừng trong tâm trí của mình lúc đấy cũng vậy. Sự kiện đó như một mồi lửa châm ngòi thiêu rụi hết những thứ không còn có giá trị nữa, để những tiềm năng mới có chỗ để vươn lên.
Những đêm trăn trở về thất bại khi thi vào lớp 10 đã khiến cho mình ngộ ra được rằng, một học sinh đạt thành tích tốt là một học sinh có thể ghi nhớ và áp dụng kiến thức, và việc đó phụ thuộc vào nỗ lực và phương pháp tiếp cận hơn là trí thông minh. Nghe tưởng chừng như hiển nhiên, nhưng hàm chứa trong cái giác ngộ đó là việc mình có khả năng điều khiển số phận đến một mức đáng kể. Mình có thể hy sinh hiện tại (thời gian, nỗ lực, trí lực) để đổi lấy được một tương lai tốt hơn.
Sau này nhìn lại, đó là lần đầu tiên mình đã trăn trở rất nhiều, trăn trở về thế giới quan (nhỏ bé và mỏng manh) đã khiến cho mình thất bại.
Nhưng rồi mình cũng hồi phục dần. Đến hết năm lớp 10 thì mình cũng trở lại bình thường, sống cuộc sống của một học sinh trung học phổ thông bình thường.
Đến năm lớp 11 thì mình phải lòng cô bạn cùng lớp. Mình tỏ tình và được bạn ấy đồng ý. Vài tháng sau đó thì mình bị chia tay mà không được chia sẻ lý do. Lúc đó mình cũng trăn trở trong nhiều tháng, và một lần nữa mình lại bị buộc phải tái cấu trúc lại thế giới quan: mình đã làm gì sai, đã nói gì sai khiến cho bạn ấy tổn thương, vân vân và vân vân. Nhưng lần này không nặng như lần trước. Mãi nhiều năm sau đó, mình mới biết rằng không liên quan gì tới việc mình làm hay nói cả. Chẳng qua là bạn ấy không thích mình mà thích bạn thân của mình (đã và đang có người yêu), và quen mình nhằm mục đích tiếp cận đối tượng kia thôi.
Sau đó mình thi đậu vào trường Khoa Học Tự nhiên, chuyên ngành Khoa Học Máy Tính. Kỳ thi đại học lần này có thể nói mình đã chuẩn bị kỹ hơn rất nhiều, không còn chủ quan và kiêu ngạo, nên đã đạt được kết quả như mong đợi. Mình đã tận dụng những phương pháp như sơ đồ tư duy, mê cung trí nhớ, và những kỹ thuật khác tìm đọc được trên mạng để có thể đạt kết quả tốt. Nhưng việc thành tích như vậy không có ý nghĩa gì nhiều đối với mình, ngoài việc làm cho ba mẹ vui.
Nếu đây là một bộ phim truyền cảm hứng thì đặt cái kết ở đây là có hậu. Cảnh cuối là mình và gia đình cười mãn nguyện, bonus thêm cảnh cả nhà nhìn về phương trời xa xăm với đôi mắt tràn đầy ước mơ và hy vọng cho một tương lai tươi sáng.
Nhưng cuộc sống không phải là phim, nên các bạn ráng nghe mình kể chuyện thêm xíu nhé.
Vào năm nhất đại học, mình có học một môn gọi là Introduction to Compiler. Đại loại nó là môn học về cách mà các dòng code được biên dịch trở thành mã nhị phân (1 và 0) mà máy tính có thể hiểu và thực thi được. Nghe xoắn quầy phải không? Vì nó xoắn thật ấy.
Chương đầu trong sách giáo khoa của môn đó nói về các cách thức để kiểm tra xem một dòng code có thuộc một bộ ngôn ngữ hay không. Mình luôn nhớ rõ cái suy nghĩ duy nhất lúc đọc xong cái chương đấy, đó là: dafuq was that? Chả hiểu gì cả.
Nhưng tại thời điểm đó, mình đã trải qua hai lần thế giới quan sụp đổ, nên việc lòng tự tôn của mình bị tấn công không còn là một vấn đề lớn. Nó không bắt nguồn từ yếu tố ngoại cảnh như lần mình thi trượt nguyện vọng một, hay lần mình bị chia tay không lý do. Nó bắt nguồn từ yếu tố tâm lý nội tại. Cũng vì vậy mà mình hoàn toàn có thể lựa chọn phớt lờ nó đi và copy bài bạn để đủ điểm qua môn. Vốn dĩ trước giờ mình cũng không quá hứng thú với thành tích.
Nhưng lần này mình đã chủ động kích hoạt khả năng trăn trở được tôi luyện qua những biến cố trước. Thông qua những trận combat thập tử nhất sinh giữa mình và cái tôi, thì mình nhận ra rằng: chỉ cần trăn trở đủ lâu và đủ nhiều về một vấn đề, chúng ta thường sẽ có được một câu chuyện có thể chấp nhận được. Đôi lúc nó đúng, đôi lúc nó không, nhưng nó đủ hợp lý để chúng ta có thể chấp nhận được (satisficing).
Đối với trường hợp này thì mình vừa cần hiểu đúng, vì đây là vấn đề kỹ thuật có đúng có sai, và vừa phải chấp nhận được cái hiểu của mình là đúng. Điều kiện đầu dễ hơn điều kiện sau, vì một nhận định có thể đúng nhưng chưa chắc nó hữu dụng. Để mình chấp nhận được rằng cái hiểu của mình là đúng, nó phải hữu dụng. Trong ngữ cảnh đó, mình đã đề ra mục tiêu: hiểu đến mức tự viết được một phần mềm để xác định được một dòng code có thuộc một bộ ngôn ngữ hay không.
Mục tiêu là thế, nhưng mình ngồi ở cafe vò đầu bứt tóc hơn hai ngày mà vẫn chưa hiểu được. Khi tưởng như đã thẩm thấu và cô đọng được một phần của trang sách, thì giống như có ai đó lấy ngón tay ướt chấm vào nét cọ còn chưa khô và làm nhòe nó đi. Mình không kết nối được thứ đang đọc và thứ vừa nãy tưởng chừng như đã hiểu. Nghĩa là mình chưa thật sự hiểu nó.
Trong những khoảnh khắc tuyệt vọng, mình đã tìm đến việc viết. Trước thời điểm đó mình cũng viết, nhưng toàn là viết về cuộc đời, hay viết truyện ngắn, hay viết tiểu thuyết. Mục đích để giải tỏa bức xúc cá nhân và thỏa mãn sức sáng tạo là chính. Chưa bao giờ mình nghĩ rằng mình sẽ viết về chủ đề kỹ thuật, và mình cũng chưa từng viết về thứ gì phức tạp như vậy cả.
Nhưng mình đã bật Wordpress Editor lên và bắt đầu gõ. Mình nghĩ đến đâu viết đến đó. Vừa viết vừa nhận ra những suy nghĩ chưa hợp lý, những giả định chưa được kiểm chứng, và những câu hỏi đáng lẽ nên được đặt ra. Độ phân giải của tư duy của mình lúc đó còn khá thấp, và việc viết đã khiến chúng sắc nét lên.
Cuối cùng thì sau khi vật lộn, viết, từ bỏ, xóa thứ mình viết, lại vật lộn, lại viết, thì mình đã đạt đến niết bàn…như một phép ẩn dụ. Lần đầu tiên trong đời, mình đã đạt được insight về một chủ đề kỹ thuật khó nhằn. Mình cảm giác đã thông suốt và có thể trả lời mọi câu hỏi về nó. Để kiểm thử xem sự hiểu biết đó có đáng tin hay không, mình đã thử (và thành công) trong việc viết một chương trình xác định 1 dòng code có thuộc một bộ ngôn ngữ không, và một bài blog diễn tả toàn bộ hiểu biết của mình về chủ đề đó.
Thú thật thì bài blog làm mình tự hào hơn rất nhiều mặc dù không phải mục tiêu ban đầu mình đề ra. Mình nghĩ một phần là do để code chạy được thì bạn có thể copy/paste, nhưng để viết và giải thích được một chủ đề phức tạp thì bạn phải thực sự hiểu nó. Lời lẻ ngôn từ của bài blog mình có thể viết tốt hơn, nhưng giờ đọc lại mình vẫn thấy những lời giải thích đó hợp lý.
Oke oke đó là hết câu chuyện. Mình hứa là mình sẽ không kể nữa.
Như một người đồng nghiệp của mình hay nói, đó là “túm cái váy lại” thì mình có 2 thứ tài sản: thói quen trăn trở và thói quen viết - chúng đã giúp mình điều hướng thị trường làm sản phẩm một cách hiệu quả để theo đuổi khát vọng tạo ra sự đổi mới cho cuộc sống của người khác.
Nhưng nếu mình phải chọn một thứ tài sản quan trọng nhất, thì nó sẽ là thói quen trăn trở. Việc trăn trở rất nhiều như vậy giúp mình suy nghĩ về những vấn đề trong phát triển sản phẩm lâu hơn, ở nhiều khía cạnh hơn, và quan trọng hơn hết, là giúp mình luôn cố gắng phân rã những điểm thông tin, góc nhìn và giả định, để tìm ra được một câu chuyện mà mình thấy hữu dụng và có thể chấp nhận được. Khi một người trăn trở đủ lâu, họ sẽ tự tìm đến việc viết, hoặc một cách nào đó để ngoại hóa những suy nghĩ của họ, để cố gắng make sense cái mớ bòng bong đang diễn ra trong đầu.
Để đưa sản phẩm đến thành công, bạn phải đối mặt với rất nhiều sự phức tạp và bất định. Ở trong tình cảnh đó, thứ duy nhất bạn có thể làm là tiếp tục suy nghĩ và trăn trở đủ lâu về nó, với hy vọng rằng khi bạn di chuyển qua cuộc sống với vấn đề đó nằm ở đằng sau khóe mắt, thì bạn sẽ nhìn thấy được những giải pháp ở những nơi ít ai ngờ đến, và nhìn được thứ mà ít người nhìn ra. Đó chính là lợi thế cạnh tranh.
Takeaway
Bạn có thể dành 5 ngày liên tiếp để trăn trở và viết về một vấn đề mà khiến cho bạn khó chịu không?
Bài viết này cũng khép lại chuỗi bài viết về lợi thế cạnh tranh.
Mình kể cho các bạn nghe những câu chuyện trên là bởi vì mình nghĩ rằng không thể viết về lợi thế cạnh tranh “cá nhân” một cách ý nghĩa nếu thiếu đi những câu chuyện “cá nhân” được. Một lý do nữa đó là nếu mình chỉ viết một bài cố gắng lý luận rằng “trăn trở là lợi thế cạnh tranh” từ góc độ thuần lý trí và phân tích, thì mình nghĩ nó cũng sẽ không mang lại ấn tượng nhiều.
Trăn trở của bạn là gì? Lợi thế cạnh tranh của bạn là gì? Hãy chia sẻ với mình nếu được nhé.