#4 Product Manager và việc "chơi" một cách nghiêm túc để tạo ra sự đổi mới

Làm sản phẩm và "chơi" thì liên quan gì nhau

#4 Product Manager và việc "chơi" một cách nghiêm túc để tạo ra sự đổi mới

Trong chuỗi bài viết trước, mình có nói rằng tạo vật quan trọng nhất của Product Manager là tài liệu, vì nó là công cụ tư duy và truyền tải thông điệp đến mọi người.

Mình viết như thế vì có rất nhiều người đang không tập trung vào những thứ họ kiểm soát được, thay vì vậy họ lo ngại và đối mặt với sự bất định quá sớm, dẫn đến việc không biết làm gì.

Tuy nhiên, Product Manager không phải là người được tuyển vào để viết tài liệu. Chúng ta được tuyển vào để chịu trách nhiệm làm sản phẩm. Và bản chất của việc làm sản phẩm là bất định.

Vì vậy, hôm nay mình muốn nói về những thứ Product Manager chỉ có thể gián tiếp ảnh hưởng, nhưng nó lại vô cùng quan trọng - đó là tạo ra sự đổi mới.

Đổi mới là tạo ra một thực tại gần hơn với thực tại mà người dùng mong chờ

Đổi mới nghe có vẻ cao xa, nhưng hãy nghĩ về làm sản phẩm là làm gì. Sản phẩm giải quyết vấn đề cho người dùng.

Vấn đề là gì. Vấn đề là khoảng không tồn tại giữa thực tại đang được nhìn nhận và thực tại được mong chờ. Người dùng đang có một số sự bất mãn với thực tại mà họ đang sống (A), và họ mong chờ một thực tại mới tốt hơn (B).

Khi sử dụng sản phẩm, người dùng đổi mới thực tại của họ bằng một thực tại gần hơn với thứ họ mong chờ, đó là sự tiến triển (progress).

Ở giữa thực tại được nhìn nhận (A) và thực tại được mong đợi (B) là vấn đề cần giải quyết. Sản phẩm biến sự bất định ở trong vấn đề đó thành sự tiến triển (progress) cho người dùng.
Grokking Techtalk #44: Problem Solving Skills for Software Engineers (Tư duy giải quyết vấn đề) - anh Đinh Khắc Thành - Chief Engineer @ Holistics

Đổi mới là kết quả của tương tác với thực tại hơn là kết quả của tư duy

Tuần rồi mình có đọc một cuốn sách tên là Serious Play - được viết bởi Michael Schrage và xuất bản vào năm 1999.

Cuốn sách mở đầu bằng việc nhấn mạnh rằng sự đổi mới (innovation) đòi hỏi chúng ta phải "chơi" một cách nghiêm túc, có nghĩa là liên tục tìm cách thách thức các quy tắc và luật lệ của trò chơi.

Hãy tưởng tượng hình ảnh của một nhạc sĩ jazz đang biến tấu. Họ liên tục thách thức các khuôn mẫu về giai điệu và nốt nhạc để tạo ra những bản nhạc đầy tính sáng tạo.

Khi các nghệ sĩ tài năng "chơi" nhạc, chúng ta không nhìn xem họ suy nghĩ gì, chúng ta nghe giai điệu họ tạo ra.

Khi các nhà sáng tạo tài năng "chơi" đùa, chúng ta không nhìn vào tài liệu mô tả chi tiết của họ, chúng ta nhìn vào những mô hình mà họ tạo ra.

Sự đổi mới không phải là kết quả của tư duy, mà là kết quả của việc tương tác với những khía cạnh của thực tại.

Không có nghĩa là chúng ta không cần mài sắc suy nghĩ lập luận của bản thân, nhưng chúng ta phải để tư duy va chạm và tương tác với những khía cạnh của thực tại để tạo ra được sự đổi mới.

Một tài liệu tốt không phải là tài liệu đủ thông tin, mà là một tài liệu mà người viết đã va chạm với thực tế nhiều đến nỗi chỉ còn lại những thông tin tối quan trọng cho việc triển khai sản phẩm.

Đổi mới bằng việc “chơi” một cách nghiêm túc

Đối với Product Manager, chúng ta có thể “chơi” một cách nghiêm túc thông qua việc tạo ra các nguyên mẫu (prototypes).

Nguyên mẫu là gì?

“Nguyên mẫu (prototypes) là nỗ lực sử dụng công nghệ để tái tạo lại một số khía cạnh quan trọng của thực tại” - Serious Play by Michael Schrage (dịch by mình).

Tại sao chúng ta chỉ tái tạo một số khía cạnh của thực tại? Không phải càng nhiều, càng đầy đủ thì càng tốt hay sao?

Chúng ta bắt buộc phải làm như vậy vì thực tại nó phức tạp một cách vô hạn. Không người dùng nào muốn chờ 10 năm để giải quyết vấn đề của họ, và không công ty nào muốn chờ 10 năm để có tiền.

Vì vậy, việc phát triển nguyên mẫu (prototypes) khiến chúng ta phải đối mặt với những sự đánh đổi (trade-offs).

Như đã viết ở trên, đổi mới là kết quả của tương tác với thực tại, câu hỏi ở đây không phải là “Chúng ta tạo ra nguyên mẫu gì?” mà là “Chúng ta muốn tạo ra những tương tác gì, những cuộc bàn luận về gì, những sự hợp tác trên vấn đề gì?”.

Nguyên mẫu có thể là bất cứ thứ gì: một cái tài liệu, một cái mockup hay wireframe, một thiết kế hệ thống vẽ trên Excalidraw, một bài diễn văn.

Nó là gì không quan trọng bằng việc chúng ta nhận lại những tương tác gì khi dùng nguyên mẫu để va chạm với thực tại (ý kiến, góc nhìn của người khác, nguyên tắc vận hành của doanh nghiệp, sở thích cá nhân, thiên kiến, niềm tin chính trị).

Khi những suy nghĩ của bản thân được đặt bên trong nguyên mẫu va chạm với thực tại, đó là cơ hội để chúng ta (ở đây là bản thân mình, những người trong công ty, người dùng, nhà đầu tư, vân vân) thảo luận và loại bỏ những thứ chúng ta coi là không phù hợp.

Kết quả của quá trình tương tác đó là một sự trung vào những khía cạnh quan trọng nhất để cải thiện thực tại của người dùng cuối theo cách bền vững và cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Product Manager có thể tạo điều kiện để sự đổi mới diễn ra

Đó cũng là lý do tại sao mình nói tạo ra sản phẩm đổi mới (innovation) là những thứ Product Manager chỉ có thể gián tiếp ảnh hưởng.

Bởi vì chúng ta chỉ có thể kiểm soát tạo vật của mình - nguyên mẫu. Nhưng bản thân nguyên mẫu không quan trọng.

Thứ quan trọng là thứ chúng ta không điều khiển được - những tương tác xảy ra trên nguyên mẫu đó. Chúng ta không thể điều khiển được cách mà đồng đội, người dùng, hay nhà đầu tư suy nghĩ, hành động. Nhưng chúng ta có thể tạo điều kiện để những tương tác đó xảy ra, từ đó đi đến quyết định về hình dạng của sản phẩm như thế nào.

Kết

Bạn nghĩ sao về bài viết này, hãy cho mình xin 500 nghìn ý kiến nhé.

Không liên quan, nhưng mình cũng đã viết được tổng cộng 4 bài rồi. Nếu được thì các bạn hãy cho mình xin thêm feedback về những thứ mình nên viết tiếp nhé: