#2 Tạo vật quan trọng nhất của Product Managers - Không phải là sản phẩm (phần 1)
Product Mangers là người làm sản phẩm. Vậy tạo vật quan trọng nhất của họ cũng là sản phẩm? Mình không nghĩ vậy. Trong bài viết này mình sẽ đưa ra một góc nhìn khác và một số lời khuyên về vấn đề này.
Đây là một chuyên đề gồm 2 phần. Phần 2 sẽ được mình viết và đăng tải trong 2 tuần tiếp theo.
Đọc bài này để làm gì?
Bầu trời màu xanh. Đám mây màu trắng. Product Manger thì làm sản phẩm. Vậy tạo vật quan trọng nhất của họ cũng là sản phẩm. Cụ thể là việc sản phẩm thành công hay thất bại, bao nhiêu người dùng, doanh thu bao nhiêu, vân vân và vân vân.
Góc nhìn đó có thể đúng, có thể sai, nhưng một điều chắc chắn là nó không hữu dụng. Câu hỏi quan trọng nhất đối với người làm sản phẩm là "Nó hữu dụng như thế nào?"
Làm sản phẩm là môn thể thao phối hợp. Product Managers là người chịu trách nhiệm làm sản phẩm thành công. Nhưng sản phẩm thành công thì họ cũng không nhận công được. Mặt khác, sản phẩm thất bại cũng có rất nhiều lý do. Vậy nên nhìn vào mặt sản phẩm để đánh giá Product Managers không quá hữu dụng
Việc nhìn nhận về tạo vật quan trọng nhất của Product Managers theo hướng hữu dụng có hòm hòm 3 lợi ích:
- Giúp chúng ta đánh giá phân tích năng lực của bản thân và môi trường xung quanh.
- Giúp chúng ta điều phối và tương tác hiệu quả hơn với đội ngũ làm sản phẩm.
- Giúp chúng ta định hướng phát triển kỹ năng sự nghiệp làm sản phẩm.
Tạo vật quan trọng nhất của Product Managers là … tài liệu (documents)
Tài liệu. Bất cứ tài liệu nào mà Product Mangers phải viết. PRD, PDD, GTM Plan, Product Vision, Product Strategy, và nhiều thứ khác. Tất cả những thứ đó chính là tạo vật quan trọng nhất của Product Managers.
Có 3 lý do tài liệu là tạo vật quan trọng nhất đối với Product Managers.
- Tài liệu là thứ bạn sẽ phải viết khi làm bài tập phỏng vấn xin việc Product Managers. Miêu tả sản phẩm của bạn làm gì và thành công ra sao thường không phải là yếu tố sẽ ghi điểm nhiều nhất khi bạn phỏng vấn. Cách bạn tư duy và đưa ra quyết định để dẫn đến những kết quả đó là thứ người ta quan tâm nhiều nhất.
- Tài liệu là những thứ thể hiện thấu cảm (lợi thế cạnh tranh của PMs), tư duy phân tích, biện luận, và chiến lược của người làm sản phẩm. Không có gì thể hiện tư duy tốt hơn việc viết một tài liệu. Chắc bạn cũng đã từng nghe những cuộc đối thoại mà trong đó nói rất nhiều nhưng không nói về gì cả. Việc đấy dễ nhận biết và phản hồi hơn khi ở dạng văn bản.
- Tài liệu là những thứ được dùng để điều phối hoạt động làm sản phẩm của cả công ty. Nó được dùng trong những cuộc họp. Nó được tạo ra sau những cuộc họp. Nó được dùng trước khi làm sản phẩm, trong khi làm sản phẩm, và sau khi làm sản phẩm (retrospective analysis).
Mình sẽ nêu một số lời khuyên dưới dạng câu hỏi. Mình đã áp dụng chúng trong thời gian dài và quan sát nhiều kết quả tích cực.
Bạn có đang tìm đọc tài liệu nội bộ mà những người đi trước bạn nghĩ là tốt nhất?
Ở Katalon, mình đã có cơ hội viết rất nhiều PRD, đặc biệt khi công ty mới có 1 - 2 Product Managers đầu tiên. Sau hơn 3-4 năm tu luyện, mình dần dà đã viết được một vài PRDs mà mình rất tự hào. Đó cũng là những tài liệu mình sẽ chia sẻ cho các bạn mới sau này trong đội của mình.
Khi mình join Holistics, mình cũng có hỏi anh Thông - Product Director (đã làm ở Holistics hơn 6 năm) rằng anh có 1 PRD nào mà anh cho là lý tưởng không. Từ việc đọc và thẩm thấu PRD mà anh Thông gửi, mình đã cảm nhận được những cái mà anh cũng như bộ phận làm sản phẩm của công ty, quan tâm và chú trọng.
1 PRD tốt có thể rất tập trung sâu vào mảng vấn đề. Phần miêu tả vấn đề có rất nhiều tham khảo từ người dùng. Họ đưa ra nhiều vấn đề để chọn lựa. Và giải thích tại sao lại chọn một vấn đề cụ thể này - dựa vào chiến lược công ty, sản phẩm và các yếu tố tình huống.
1 PRD tốt cũng có thể tập trung sâu vào phần thiết kế khái niệm (conceptual design) và thiết kế hệ thống (system design). Với những sản phẩm mà có nhiều khái niệm phức tạp (như Holistics) nhưng cần sự hài hòa, bạn có thể thấy những PRD tốt nhất rất tập trung về phần giải pháp.
Lý tưởng mà nói, tất cả những khía cạnh trên đều nên được chăm sóc kỹ càng. Nhưng trong thực tế, cái mà từng đội ngũ và công ty tập trung sẽ khác nhau theo từng ngữ cảnh khác nhau.
Lời Khuyên Mì Ăn Liền:
- Nhắn một PM đã làm lâu hơn bạn, hoặc một PM mà bạn ngưỡng mộ, và hỏi họ rằng: “Bạn có thể cho mình đọc một số cái PRD nào mà bạn tự hào nhất từ trước đến giờ không?”
- Đọc, phân tích, ghi chú và hỏi lại người PM đấy về tính năng/giải pháp/vấn đề và cách họ tiếp cận PRD đó.
- Trở lại đọc, phân tích, ghi chú những PRDs đó sau một khoảng thời gian để tích hợp những góc nhìn và quan sát mới của bạn.
(bạn có thể tìm hiểu những loại tài liệu khác một cách tương tự)
Bạn có đang tăng độ sắc nét của tài liệu bạn viết?
Mình đã từng ở trong nhiều cuộc đối thoại mà người nói nói rất nhiều nhưng không nói về cái gì cả. Kỳ lạ hơn là nó dường như lả nổ lực có ý thức. Giống như chứng kiến một show diễn hài ở chốn công sở. Mình cũng thích coi hài, nhưng rất tiếc không phải trong lúc làm việc.
Với một số người thì đấy là căn bệnh mãn tính. Họ là một con người như vậy. Lời nói của họ là để thao túng hơn là tập trung vào tính hữu dụng của câu từ. Bạn nên tránh xa những người như vậy ra, hoặc tìm công việc khác nếu đó là sếp của bạn.
Nhưng với nhiều người (kể cả mình), thì họ mắc căn bệnh cấp tính đó ở tần suất đôi khi và thỉnh thoảng. Không phải vì chúng ta đang cố gắng thao túng ai đó, mà vì chúng ta chưa nắm được bản chất của thứ mình đang muốn truyền tải.
Viết tài liệu là một liều thuốc chữa căn bệnh cấp tính đấy, vì viết buộc bạn phải làm sắc nét tư duy.
Nhìn sơ qua, việc mài sắc suy nghĩ có thể được hình dung thành những động tác như sau:
- Loại bỏ những suy nghĩ không liên quan.
- Bóc tách những suy nghĩ liên quan nhưng chưa hợp lý
- Kết nối những suy nghĩ lại một cách mạch lạc và có hệ thống.
Bạn có nhận ra những việc này có điểm chung là gì không? Đấy là chúng cực kỳ chậm rãi, lý tính và nặng tính phân tích. Rất khó để bạn có thể làm chúng một cách vô thức và nhanh chóng được. Còn nếu bạn là thiên tài thì có thể nghĩ là “chắc nó chừa mình ra” :)).
Nhưng mô hình này còn chưa tích hợp được hệ thống tư duy nhanh trong não bộ. Não bộ của con người rất tuyệt vời trong việc xử lý thông tin, phân tích so sánh hình mẫu. Chính vì mỗi người đều có kinh nghiệm riêng, hình mẫu trong đầu của họ cũng khác nhau, khiến cho việc tư duy muôn hình vạn trạng và đầy màu sắc.
Khi nhìn vào một vấn đề, ai cũng sẽ nảy ra một số quan sát, điểm lưu ý, câu hỏi, đối chiếu dựa trên những hình mẫu và kinh nhiệm cá nhân. Các bánh răng sẽ bắt đầu dịch chuyển. Não bộ sản sinh ra những xung điện từ vùng sâu nhất đến nơi gần họp sọ nhất. Những xung điện đó được chúng ta nhìn nhận thành suy nghĩ. Có thể nói đó là dạng suy nghĩ tinh khiết nhất. Của riêng bạn.
Một quan sát của mình đó là chúng ta thường không để những suy nghĩ tinh khiết đó cô đọng lại thành một thứ hiện hữu trong thực tại - chữ viết. Thậm chí chúng ta nhiều lúc còn không để chúng cô đọng lại trong đầu hơn một vài giây. Điều đó thật đáng tiếc, vì trong hằng hà những suy nghĩ đó có thể hàm chứa những sáng kiến và quan sát là chìa khóa để giải quyết những vấn đề hóc búa. Đó là hệ thống tư duy nhanh của bạn.
Vậy nên chúng ta cần tích hợp cả hai mô hình hoạt động đó khi viết.
Sau rất nhiều lần ngồi viết tài liệu, mình đã đúc kết ra được một kỹ thuật mà bây giờ mình dùng rất thường xuyên.
Lời Khuyên Mì Ăn Liền:
Khi viết 1 tài liệu trong công việc, luôn chia ra hai phiên công việc:
- Phiên làm việc đầu tiên (brain dump - ~30 minutes): viết tất cả những dòng suy nghĩ của bạn xuống. Nếu bạn cảm thấy việc viết tay hay gõ máy tính nó làm chậm dòng suy nghĩ của bạn, có thể vừa đi bộ hay đi vòng vòng và thu âm lại. Cố gắng đừng phân tích, biện luận hay chỉ trích những dòng suy nghĩ này. Để dòng tâm thức đa luồng :)) của bạn tuôn chảy vào nơi bạn ghi chú.
Phiên làm việc thứ hai (edit - ~90 minutes):
- Loại bỏ những suy nghĩ không liên quan.
- Đào sâu phân tích những suy nghĩ liên quan nhưng chưa logic.
- Kết nối các suy nghĩ với nhau cho mạch lạc.
Ghi chú: Bạn nên viết nội dung trong phiên này ở một ứng dụng ghi chú cá nhân (mình dùng Obsidian). Đôi khi chúng ta dễ rơi vào trạng thái cố gắng chỉnh sửa nội dung quá nhiều khi viết trong một tài liệu ai cũng đọc được
Nếu các bạn muốn đào sâu vào việc viết tốt hơn, mình thấy cuốn sách The Pyramid Principle: Logic in Writing and Thinking chứa rất nhiều kiến thức hữu ích và thực tế.
Vẫn còn một số thứ nữa … ở phần 2
Còn 2 điểm liên quan đến việc viết tài liệu của Product Managers mà mình muốn viết vào phần 2:
- Sử dụng tài liệu trong cuộc họp để điều phối hoạt động làm sản phẩm.
- Khi nào thì viết tài liệu không phải là chuyện quan trọng nhất.
- Viết tài liệu trong lúc phỏng vấn xin việc.
Hãy đăng ký newsletter này để đón chờ những bài sau nhé.