#31 - Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm (phần 3): Tìm kiếm điểm sáng
Những bài viết khác trong chuỗi Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm:
- #13 - Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm (phần 1)
- #19 - Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm (phần 2): 0-1
- #31 - Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm (phần 3): Tìm kiếm điểm sáng
- #33 - Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm (phần 4): đôi khi quyết định hay nhất là quyết định không làm
Một kỹ thuật để vượt qua sự bất định mà mình thường sử dụng, đó là Find the Bright Spots, hay tạm dịch là tìm kiếm điểm sáng.
Khi làm Startups thì thường bạn sẽ phải đương đầu với nhiều sự bất định, cũng như cực kỳ thiếu những điểm dữ liệu liên quan trực tiếp đến cái bạn muốn làm để dựa vào đó đưa ra quyết định. Nếu bạn mong chờ đến lúc thu thập đủ điểm dữ liệu để cảm thấy tự tin thì thời điểm đó khả năng cao là không bao giờ đến.
Trong những tình huống như vậy, thì việc tìm kiểm điểm sáng - hay việc mà bạn vô tình bắt gặp được một điểm dữ liệu liên quan, nắm bắt, nghiên cứu và tìm cách để replicate lại nó là điều vô cùng quan trọng. Đôi khi những điểm sáng đó sẽ là khởi nguồn cho một sự thay đổi rõ rệt trong sản phẩm hay định hướng của bản thân.
Trong sự nghiệp mình thì mình đã áp dụng việc tìm kiếm điểm sáng này rất nhiều, và rất nhiều lần nó đã tạo ra các phản ứng kích thích sự thay đổi lớn và tăng trưởng cho sản phẩm.
Trong bài viết này, mình muốn kể một câu chuyện về cách mà gần đây team mình đã áp dụng việc tìm kiếm điểm sáng thành công cho khóa học Breaking into PM.
"Tìm kiếm điểm sáng" và câu chuyện Jerry Sternin giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng ở Việt Nam vào những năm 1990
Trước khi kể câu chuyện riêng của BPM, thì mình xin phép kể lại câu chuyện sau:
Sau khi tìm hiểu về suy dinh dưỡng, ông nhận thấy hầu hết các "conventional wisdom" là đúng nhưng vô dụng. Những quan niệm phổ biến cho rằng suy dinh dưỡng là do điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sạch, và thiếu kiến thức về dinh dưỡng. Chúng không sai, nhưng ông ấy không có thời gian hoặc nguồn lực để giải quyết những vấn đề đó.
Chiến lược của ông là "tìm kiếm các điểm sáng" (bright spots) trong một ngôi làng nọ. Ông quan sát được rằng có một số trẻ em khỏe mạnh mặc dù gia cảnh khó khăn và bị bất lợi. Điều đó có nghĩa là có thể có một giải pháp ngắn hạn và thực tế cho vấn đề suy dinh dưỡng này.
Nhóm nói chuyện với hàng chục gia đình, và thấy rằng rất nhiều nhà đang làm như sau: trẻ em ăn hai bữa một ngày cùng với gia đình. Khi ăn thì trẻ em ăn thức ăn mềm và sạch (như cơm).
Nhưng Sternin đã quan sát thấy một vài điểm khác biệt ở các gia đình có con khỏe mạnh:
Các bà mẹ có con khỏe mạnh, cho con ăn bốn bữa một ngày (sử dụng cùng lượng thức ăn nhưng chia thành nhiều phần). Việc ăn hai lần một ngày mà hầu hết các gia đình đều làm theo thực chất là không tốt, vì dạ dày suy dinh dưỡng không thể tiêu hóa nhiều thức ăn cùng một lúc.
Hầu hết trẻ em khỏe mạnh được cho ăn tích cực hơn - được cha mẹ đút cho ăn nếu cần thiết. Ngay cả khi các em bị ốm thì vẫn được cha mẹ khuyến khích ăn nhiều. Điều này khác với niềm tin của hầu hết các gia đình rằng trẻ em hiểu nhu cầu của mình, và sẽ tự ăn phù hợp từ nồi cơm chung.
Những trẻ em khỏe mạnh ăn nhiều loại thức ăn khác nhau (không chỉ cơm), chẳng hạn như tôm và cua được bắt ngoài đồng, Tôm và cua lúc đó không được coi là thức ăn phù hợp cho trẻ em. Các bà mẹ của những đứa trẻ khỏa mạnh cũng cho thêm rau lang, vốn được coi là đồ "bần". Những món đó vô tình bổ sung protein và vitamin cần thiết vào chế độ ăn của trẻ em.
Sternin thiết kế một chương trình trong đó năm mươi gia đình suy dinh dưỡng, theo nhóm mười người, sẽ gặp nhau tại một căn lều mỗi ngày và chuẩn bị thức ăn. Các gia đình được yêu cầu mang tôm, cua và rau lang. Các bà mẹ rửa tay bằng xà phòng và nấu bữa ăn cùng nhau. Chương trình này đã tạo một không gian cho những bà mẹ có thể trực tiếp thực hành cách nấu ăn mới, nhận được những lời chỉ dẫn cụ thể, và tiếp thêm động lực từ cộng đồng của chính mình.
Sáu tháng sau khi Sternin đến làng Việt Nam, 65% trẻ em được dinh dưỡng tốt hơn và duy trì như vậy. Sau đó, ngay cả những đứa trẻ được sinh ra ở chỗ khác nơi Sternin trực tiếp đến cũng khỏe mạnh và không bị suy dinh dưỡng. Chương trình mà Sternin khởi tạo đã chạm đến 2 triệu người Việt Nam và hơn 5 triệu người trên thế giới để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng một cách thành công.
Vậy thì ở Breaking into Product Management, tụi mình đã tìm điểm sáng như thế nào, và đã đạt được kết quả gì?
Cải thiện bài cuối khóa của Breaking into PM từ một điểm sáng
Đầu tiên là một xíu ngữ cảnh: Hiện tại tụi mình đang trong giai đoạn chạy batch thứ tư, và mọi người cũng đang trong quá trình làm bài cuối khóa. Tụi mình đã đúc kết được một số phương thức để giúp gia tăng chất lượng làm bài cuối khóa qua từng batch. Khi áp dụng những phương thức này, thì tụi mình quan sát sự cải thiện rất rõ rệt.